Kinh Nghiệm Du Lịch Hà Nội
Thủ đô Hà Nội không chỉ là một địa danh du lịch nổi tiếng bật nhất của Việt Nam, đây còn là nơi lưu giữ biết bao truyền thống văn hóa và vẫn được xem như chuẩn mực văn hóa của biết bao đời nay. Với lịch sử phát triển lâu đời, Hà Nội tự hào sở hữu những di sản văn hóa, tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc. Vì thế mà bất cứ khi nào vé máy bay đi Hà Nội được ưu đãi, rất nhiều lữ khách chấp nhận thức trắng hôm để mua cho kỳ được vé máy bay đi Hà Nội.
Cho đến tận ngày nay dù trải qua nhiều đổi thay, những nét văn hóa cổ xưa vẫn còn ẩn hiện qua từng hoạt động đời thường của cư dân nơi đây. Đâu đó ở một góc phố Hà Nội, người ta vẫn giữ cái thú vui tao nhã như chơi hoa, trồng cây cảnh, nuôi chim, v.v... Hay như trang phục người trẻ dù thay đổi nhiều so với trước kia nhưng vẫn giữ được cái nét trang nhã và duyên dáng của người Hà thành.

Phương tiện di chuyển
Có khá nhiều cách để bạn di chuyển đến Hà Nội như mua vé máy bay đi Hà Nội, mua vé tàu hỏa hoặc xe đò. Do vậy tùy theo nơi bắt đầu khởi hành, bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp nhất.
- Vé máy bay đi Hà Nội
Trong những năm gần đây vé máy bay đi Hà Nội ngày càng có giá cạnh tranh hơn. Đó là nhờ sự tham gia của nhiều hãng hàng không khai thác đường bay đến sân bay quốc tế Nội Bài như Vietnam Airlines, JetStar Airway và VietJet Air. Giá vé trung bình từ 1tr3 – 2tr5 VNĐ/chặng tùy theo hãng, thời gian một chặng thường chỉ mất hơn 2 tiếng.

Tuy nhiên sân bay Nội Bài cách trung tâm thành phố khoảng 30km. Do vậy, nếu đi đông bạn có thể chọn đi taxi (khoảng 300 – 400.000 đ/chuyến), xe bus của sân bay (40 – 50.000 đ/chuyến) hoặc tự bắt xe bus công cộng (theo tuyến 07 hoặc 17 để về trung tâm thành phố).
- Vé tàu hỏa
Giá vé tàu Bắc – Nam giao động từ 750.000 - 1.300.000 VNĐ/chặng tùy thuộc vào loại vé (ghế cứng, mềm, giường nằm). Đây là phương tiện mất thời gian nhất, trung bình bạn sẽ mất khoảng 2 ngày (hơn 48 tiếng) nếu chọn di chuyển bằng cách này.
- Vé xe đò
Nếu di chuyển từ Sài Gòn, bạn có thể chọn 1 trong 2 hãng xe khách lớn chạy tuyến Bắc Nam là Hoàng Long và Mai Linh. Vé xe của hai hãng này bạn có thể tìm mua tại bến xe miền Đông với mức giá tầm 900.000 VNĐ/vé dành cho giường nằm. Thời gian di chuyển cũng khá lâu, thông thường mất khoảng 40 tiếng để đi từ Sài Gòn đến Hà Nội.
Đi mùa nào
Mỗi mùa ở Hà Nội đều có một nét đẹp riêng nhưng phù hợp nhất cho những chuyến du lịch thăm thú vẫn là vào mùa thu (khoảng tháng 8 – tháng 11). Vào những tháng này, Hà Nội thật dịu dàng với hương hoa sữa phảng phất trong gió, những con đường ngập là vàng rơi khiến cảnh sắc đượm buồn nhưng vẫn thật lãng mạn với nắng hanh vàng và những cơn gió heo may se lạnh.

Mùa xuân và mùa đông tại Hà Nội trời rất rét, có những đêm nhiệt độ hạ xuống thấp dưới 10 độ C. Do vậy nếu không thể chịu được lạnh thì bạn nên cân nhắc trước khi đi Hà Nội vào mùa này. Trong khi đó mùa hè lại vô cùng oi bức. Nhiệt độ lúc này có thể tăng cao đến 40 độ C, trời oi nồng và ngột ngạt rất khó chịu.
Đi đâu
Hà Nội có rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, rất khó có thể tham quan tất cả các địa danh này trong một chuyến du lịch ngắn ngày. Về cơ bản thì có thể chia các địa điểm này theo 3 nhóm chính:
- Địa điểm văn hóa: Hà Nội có rất nhiều địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng như Lăng Bác, chùa Một Cột, Văn Miếu, Hoàng Thành, bảo tàng dân tộc học, bảo tàng Hồ Chí Minh, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, hồ Gươm, hồ Tây, phố Cổ.
- Địa điểm lãng mạn: cầu Long Biên, hồ Gươm, hồ Tây, bãi đá sông Hồng, công viên Bách Thảo, công viên Thủ Lệ.
- Địa điểm vui chơi: nhà thờ lớn, bia hơi Tạ Hiện, café bờ hồ (Hồ Hoàn Kiếm), café Lâm, bar cỏ dành cho dân bụi ở Phố Cổ, Vincom Bà Trị, Vincom Mega Mall Royal City (Nguyễn Trãi), công viên nước Hồ Tây, rạp chiếu phim quốc gia, The Garden Mễ Trì, tòa nhà Keangnam hơn 70 tầng…
Khu phố cổ
Những ngôi nhà, con phố, ngóc ngách nhỏ nhắn mang dáng vẻ đặc thù của kiến trúc những năm thế kỷ 19 tuy đã phần nào bị quá trình đô thị hóa làm thay đổi diện mạo nhưng đây được xem là “kho tàng” của những giá trị lịch sử, văn hóa và phong cách sống đại diện cho đô thị Hà Nội truyền thống.

Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm với tháp rùa cổ kính tọa lạc trên một bán đảo nhỏ giữa hồ là một trong những địa danh nổi tiếng của Hà Nội. Đây có thể vừa xem là địa điểm thăm quan nổi tiếng, vừa là nơi thư giãn của người Hà Nội giữa sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố.

Chùa Một Cột
Dù Hà Nội có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, nhưng chùa Một Cột vẫn là địa danh mà bất cứ ai lần đầu du lịch đến đất Hà thành đều muốn một lần ghé thăm. Không chỉ sở hữu nét kiến trúc rất độc đáo, chùa Một Cột còn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của Hà Nội, gắn liền với cả một thời kỳ phát triển của lịch sử đất Hà thành.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Vẫn được biết đến là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến rất phổ biến mà bất kỳ lữ khách nào cũng muốn một lần ghé thăm khi thăm thú thủ đô Hà Nội. Thăm quan địa danh nổi tiếng này, lữ khách sẽ được chiêm ngưỡng 82 bia đá được chạm khắc những thông tin về lịch sử các khoa thi và triết lý của nền giáo dục, đào tạo của triều đại Lê – Mạc. Giá trị lịch sử, văn hóa của những bia đã này cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Nhà thờ lớn Hà Nội
Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc thấm đượm giá trị kiệt xuất về lịch sử, văn hoá, kiến trúc và mỹ thuật. Nó là bằng chứng lịch sử của sự phát triển văn hóa và xã hội của Hà Nội và Việt nam thời kỳ Pháp thuộc, là một di tích của một giai đoạn phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Nhà hát còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quảng trường Ba Đình – Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh
Ghé thăm Hà Nội bạn không thể bỏ qua trung tâm chính trị của Việt Nam với nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình lịch sử nơi Bác Hồ đã đọc tuyên ngôn độc lập. Lăng Bác hay còn gọi là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi đặt và lưu giữ thi hài của Người. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa 5 ngày một tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Khách viếng thăm buộc phải tuân theo những yêu cầu như ăn mặc chỉnh tề, không đem các thiết bị điện tử ghi hình và giữ trật tự trong lăng.

Hồ Tây
Hồ Tây không chỉ là niềm tự hào của riêng quận Tây Hồ mà còn là niềm hãnh diện của những người con xứ Hà Thành. Không chỉ sở hữu vẻ đẹp thơ mộng, Hồ Tây còn mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn gắn liền với sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Ngày nay, xung quanh hồ có đến hơn 40 di tích nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên, chùa Tĩnh Lâu... cùng các làng nghề trồng cây cảnh nổi tiếng như làng đào Nhật Tân, sen Quảng Bá, v.v...

Ăn gì
Ẩm thực Hà Nội có thể xem là đại diện tiêu biểu cho ẩm thực của cả khu vực Bắc Bộ. Không quá ngạc nhiên khi rất nhiều người du lịch Hà Nội cốt chỉ để trải nghiệm cái tinh hoa ẩm thực của vùng đất này. Đi ăn ở Hà Nội, những cảnh đứng xếp hàng cả nửa tiếng đồng hồ chỉ vì một tô phở ở hàng bún, phở trong phố cổ hay vỉa hè là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai cau có, chẳng ai thấy bực mình, họ vui vẻ chờ, vui vẻ ăn và say mê thưởng thức tô phở Hà Nội ngon ngọt đến từng giọt nước dùng cuối cùng.
- Phở Hà Nội
Phở vẫn được là món ăn nổi tiếng của ẩm thực Việt, và Hà Nội là “nhà hàng bán phở” ngon nhất của Việt Nam. Đến Hà thành, không khó để tìm một tô phở hợp với khẩu vị của mình. Có thể đó là một quán gánh nhỏ trên vỉa như phở gành Hàng Trống, nơi thực khách ăn mà chẳng cần đến bàn mà chỉ ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, trên tay mỗi người là một tô phở ngon lành. Cũng có thể là một nhà hàng sang trọng, nơi máy lạnh chạy 24/7 nhưng chẳng thể thổi tan được cái hương nồng nàn của nước dùng ninh từ xương trong vắt.

- Chả cá Lã Vọng
Cá thường được cắt khúc dễ ăn (cỡ hay đốt ngón tay) và được ướp gia vị 2 tiếng trước khi nướng trên than hồng. Cá chín sẽ được để vào tô riêng và chỉ dọn ra khi có khách đặt món. Ngay khi khách ngồi vào bàn, một chảo mỡ (thường là hỗn hợp mỡ gà, mỡ cá và mỡ lợn) cùng than hồng được dọn lên. Cá sau đó được cho vào chảo mỡ này cùng với các loại rau như rau mùi, rau húng, thì là, v.v... Khi ăn chỉ cần gắp một miếng chả cá vào bát, thêm rau, bún, lạc rang, ăn cùng mắm tôm đã được pha chế nước cốt chanh, ớt, rượu, mỡ nóng, đường, đánh mạnh tay cho nổi bọt. Vị ngọt béo bùi của cá, thơm nồng của rau thơm và chút mắm tôm quyện nơi đầu lưỡi dễ làm người ăn nhớ rất lâu.

- Bún chả
Bún chả từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc với người dân Hà Nội, là thức quà dân dã đáng tự hào để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Dù hè hay đông, bún chả luôn là món ăn được nhớ đến nhiều hơn cả. Miếng chả nhỏ nhắn vừa đủ ăn được nướng hơi cháy xém, ăn cùng nước mắm chua ngọt được pha chế công phu trông thật thích mắt với những lát đu đủ xanh cắt thành từng miếng nhỏ trôi bồng bềnh. Món này thường được ăn kèm với bún rối và rau các loại.

- Bún thang
Bún thang là một nét ẩm thực khác của người dân Hà Nội. Nguyên liệu cho một tô bún thang không quá khó tìm, chỉ đơn giản là thịt gà, trứng, nấm, củ cải, giò lụa... nhưng để nấu được một tô bún ngon thì lại đòi hỏi người nấu phải bỏ rất nhiều tâm huyết. Đặc biệt là nước dùng phải thật trong, vị ngọt dịu và nhất là không được béo ngấy. Thưởng thức tô bún thang mới biết cái nét cầu kỳ, tinh tế trong ẩm thực Hà thành.

- Bún đậu mắm tôm
Xuất phát từ vị trí của một món ăn dân dã, bún đậu mắm tôm ngày nay đã có bước “chuyển mình” ngoạn mục và chinh phục được khẩu vị của không ít thực khách xa gần trên khắp mọi miền đất nước. Giản dị như chính tên gọi của nó, bún đậu mắm tôm không có nguyên liệu gì quá đặc biệt thế mà khiến bao người phải nhớ dù chỉ một lần nếm qua. Một mâm bún đậu mắm tôm đầy đủ thường có ít bún lá, vài miếng đậu được rán vàng giòn, lát chả cốm được cắt miếng vừa ăn, thêm mấy lát thịt ba chỉ luộc được xếp gọn gàng bên mớ rau thơm các loại.

Mua gì
- Ô mai
Cứ ai du lịch Hà Nội thì thể nào cũng được dặn phải mua về nhà một ít ô mai làm quà. Có rất nhiều món ô mai được nhiều người yêu thích như mơ, mận, gừng, khế, chanh, quất, hồng, đào, cóc, me, v.v... Nhưng phổ biến nhất vẫn là món ô mai sấu với vị ngọt thanh được làm từ thứ quả có vị chua đặc trưng của miền Bắc.

- Bánh cốm
Bánh cốm có thể xem là đặc sản gia truyền của thủ đô Hà Nội. Một chiếc bánh cốm hấp dẫn thực khách ngay từ miếng đầu tiên bởi lớp cốm canh dẻo quánh bên ngoài bao bọc lấy lớp nhân đậu xanh quyện dừa béo ngậy bên trong vẫn còn thoang thoảng cái hương thơm tự nhiên của bưởi.

- Trà sen
Ướp trà sen là cả nghệ thuật với rất nhiều thời gian, công sức. Những cánh chè khô sau khi đã được tuyển chọn từ loại ngon nhất, sẽ được ướp 5-7 lần cùng gạo sen (hạt trắng trên đầu nhị sen) cho thấm hương ngấm vị. Nhờ cách ướp trà công phu này mà hương sen ấy được gìn giữ quanh năm và theo chân du khách đến mọi miền Tổ quốc.

- Đồ gốm
Đến với Bát Tràng, bạn chỉ mất vài chục ngàn đồng là đã có thể tham gia các lớp dạy làm gốm để tự tay làm nên những sản phẩm độc đáo mang đậm cá tính của mình. Những chiếc bát, lọ, bình, cốc do tự tay bạn làm chắc chắn sẽ là một món quà vô cùng ý nghĩa.

Tin tức liên quan